Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải: "Năng động liên kết vùng tạo động lực phát triển"

 Vấn đề liên kết để tạo động lực phát triển luôn đặt ra với Quảng Nam và nhiều tỉnh thành trong khu vực Vùng Kinh tế trọng điểm Duyên hải Trung bộ. Là người từng trải qua nhiều năm tháng công tác tại Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải luôn quan tâm, trăn trở về câu chuyện này khi trả lời phỏng vấn của Báo Quảng Nam. Ông chia sẻ:

Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng không chỉ đối với khu vực miền Trung mà của cả nước. Liên kết vùng để tập trung phát huy lợi thế so sánh của mỗi tỉnh và cùng hợp tác để phát triển các thế mạnh của vùng.

Trên thực tế, mặc dù vấn đề này đã được đặt ra tại nhiều hội thảo, hội nghị và chương trình hợp tác trên từng lĩnh vực cụ thể nhưng chưa được quan tâm đúng tầm.

Sông Cổ Cò được khơi thông sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của Quảng Nam - Đà nẵng. Ảnh: Q.T
Sông Cổ Cò được khơi thông sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của Quảng Nam - Đà nẵng. Ảnh: Q.T

Gần đây Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển các vùng trong cả nước và đã ban hành Quy hoạch phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các vùng khác đang xây dựng trong điều kiện chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch các tỉnh, thành phố. Mặt khác thể chế và cơ chế quản lý và phát triển vùng cũng chưa rõ.

Con đường Quảng Nam hoạch định là phát triển nhanh và bền vững, trong tương lai gần là vươn lên thành tỉnh giàu của miền Trung, tỉnh khá của cả nước. Vậy thưa ông, Quảng Nam cần làm gì để tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là giải quyết bài toán liên kết vùng như thế nào để tạo động lực phát triển mới?

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải.

Ông Nguyễn Đức Hải: Miền Trung có lợi thế rất lớn về phát triển du lịch biển, sinh thái, văn hóa và lịch sử, là điểm đến của nhiều du khách quốc tế… Bước đầu, trong Vùng kinh tế trọng điểm Duyên hải Trung bộ đã hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với các cảng biển, sân bay quốc tế.

Cách đây hơn 10 năm giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng đã thống nhất nhiều nội dung phối hợp và liên kết là: phát triển cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất; khai thác sân bay Đà Nẵng và phát triển sân bay Chu Lai; khai thông sông Cổ Cò và Trường Giang; phát triển du lịch kết nối Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn...

Thời gian qua, trong Vùng kinh tế trọng điểm Duyên hải Trung bộ đã có 4 tỉnh thành tự cân đối được ngân sách gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa; tuy nhiên mức đóng góp cho trung ương còn khiêm tốn.

Đồng thời nhìn lại sự phát triển chung của khu vực vẫn còn thấp hơn so với các khu vực năng động khác của cả nước trên nhiều chỉ tiêu so sánh. Vấn đề quan trọng là giới hạn của thị trường, đầu tư và nguồn nhân lực.

Quảng Nam ở vị thế trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm Duyên hải Trung bộ, so với các tỉnh còn nhiều “dư địa” để phát triển, là tỉnh có cả biên giới biển và đất liền, diện tích rộng, tiếp giáp với khu vực Tây Nguyên và bắc miền Trung.

Quảng Nam có lợi thế cả vùng Đông và vùng Tây rộng lớn, mạng lưới trục dọc giao thông đường bộ quốc gia đã cơ bản hoàn thành. Khu vực sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà có điều kiện để hình thành một mô hình phát triển mới dạng đô thị sân bay, khu chế xuất sân bay, phát triển mạnh các dịch vụ logistics liên quan đến hàng hải, hàng không.

Quảng Nam cũng cần có cách nhìn mới về thu hút đầu tư công nghiệp trên nền tảng cách mạng công nghệ và chuyển đổi số vì phát triển bền vững dựa trên nâng cao chất lượng chứ không phải số lượng nguồn nhân lực.

Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và miền núi vẫn là bài toán khó giải, nhưng cần phải nghiên cứu thay đổi từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp.

Xin nêu vài ví dụ nhỏ như không thể cứ phát triển trồng cây keo diện rộng mãi được; cây quế Trà My, sâm Ngọc Linh, yến sào Hội An… cũng cần có chiến lược sản phẩm lâu dài hơn, không chỉ bán nguyên liệu, sản phẩm thô ít giá trị gia tăng.

Động lực phát triển Quảng Nam, trước hết là hạ tầng giao thông và logistics, nhằm kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây, hai trục xương sống này sẽ tạo điều kiện cho chuỗi cung ứng hàng hóa, vậy Quốc hội và Chính phủ sẽ có sự hỗ trợ đầu tư như thế nào cho Quảng Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hải: Quảng Nam tự hào là tỉnh vươn lên tự cân đối được ngân sách, điều này có ý nghĩa hết sức lớn vì ngân sách trung ương không phải dành phần trợ cấp cho tỉnh như trước đây, trong khi đó tỉnh có cơ hội sử dụng chủ động các nguồn vượt thu để đầu tư thêm cho nhiều công trình cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội.

Mặt khác cũng phải thấy rằng trung ương cũng quan tâm đầu tư nhiều trên địa bàn, thông qua các nguồn vốn cho đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, nâng cấp quốc lộ 1A, sân bay Chu Lai, các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, y tế, giáo dục...

Giai đoạn tới, theo tôi hiểu, trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ Quảng Nam trước hết là định hướng, quy hoạch phát triển, cơ chế thu hút đầu tư các nhà đầu tư chiến lược, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng kết nối trục ngang phát triển liên kết vùng phía Tây trong các hành lang kinh tế với Lào, Campuchia và Thái Lan; các dự án phòng chống thiên tai và các Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển miền núi và dân tộc thiểu số.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thăm, làm việc với tỉnh Quảng Nam và cho ý kiến chỉ đạo rất cụ thể về nội dung này. Vấn đề quan trọng là tiếp tục đổi mới sáng tạo, năng động trong tổ chức thực hiện, phát huy yếu tố nội lực là quyết định để tiếp tục xây đắp “thương hiệu” vùng đất và con người Quảng Nam.

NGUỒN: https://baoquangnam.vn/kinh-te/uy-vien-trung-uong-dang-pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-nang-dong-lien-ket-vung-tao-dong-luc-phat-trien-126440.html

 NGUYỄN ĐIỆN NAM (THỰC HIỆN)


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Quảng Cáo