Làng Ông Hảo - "Thủ phủ" đồ chơi truyền thống mùa Trung thu

Tết Trung thu là dịp trẻ em mong chờ nhất trong năm. Vào ngày ấy, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những món đồ chơi truyền thống gắn liền với thế hệ của mỗi người dân Việt Nam. Nhưng trên thực tế, nhiều hộ dân sản xuất đồ chơi truyền thống đã gần như bỏ nghề. Số còn lại thì đang cố níu giữ để nghề không bị mai một trong cuộc sống hiện đại.

Những chiếc mặt nạ trắng bỗng chốc có thể trở nên sinh động với đủ hình dáng khác nhau… Đây là thành quả được tạo ra bởi gia đình ông Đông – một trong những người còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi tại thôn ông Hảo, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Ông VŨ HUY ĐÔNG, Thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên: “Làng này trước khoảng 2-3 chục nhà làm, dần dần chuyển hết thì còn gần chục nhà. Đây ngày xưa chỉ có 1 mặt tễu như này thôi, ngày xưa người ta làm để người ta múa kì lân. Bây giờ đến gia đình nhà tôi có khoảng hơn 20 mẫu cơ.” 

Gia đình ông Đông đã gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi ngót nửa thế kỷ. Để có thể tồn tại tìm chỗ đứng cho nghề truyền thống này, ông đã không ngừng sáng tạo và đổi mới sản phẩm. Mỗi năm gia đình ông chỉ bán vào dịp Trung thu nhưng làm thì quanh năm, bởi lẽ đây là sản phẩm thủ công, phải trải qua nhiều công đoạn.

Ông VŨ HUY ĐÔNG, Thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên:“Chỉ làm đợt Trung thu thì không bao giờ nói 1 năm bán đi được 8-10 nghìn cái được. Qua rằm Trung thu thì mình bắt đầu làm thô thôi, mình bồi làm thô chứ chưa sơn vẽ. Làm tích luỹ vào, đến khoảng tháng 6 này thì bắt đầu sơn vẽ để không bạc màu.” 

Thôn Ông Hảo từ lâu đã được coi là “thủ phủ” của những món đồ chơi truyền thống. Không chỉ mặt nạ giấy bồi, mà trống gỗ được làm thủ công cũng là đặc sản của người dân nơi đây. Đã từng có lúc chán nản vì không bán được hàng nhưng họ vẫn thường an ủi mà nói với nhau rằng, nghề này sẽ không bao giờ biến mất vì giá trị mà nó để lại không thể đo đếm được.

Ông VŨ HỮU KÊ, Thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên: “Trống của mình các nước nó không có trống như của mình, trống của mình nó làm bằng da thật. Cái nghề quê hương mình nó là cổ truyền rồi, như kiểu dân gian rồi. Rằm trung thu không bao giờ bỏ được.” 

Bà VŨ THỊ LÀ, Thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên: “Cứ làm quanh năm mình vẫn có thu nhập vẫn có đồng ăn đồng tiêu, cảm tưởng mình có khí thế mình làm, không chán nữa. Bản thân tôi tôi thấy rất phấn khởi bởi vì làng nghề của mình mà mình giữ được. Cũng thấy vui và yêu nghề.” 

Phố phường Hà Nội những ngày này đang ngập tràn màu sắc của các món đồ chơi hiện đại, đa dạng mẫu mã. Thế nhưng kí ức về một Trung thu truyền thống vẫn được lưu giữ trong lòng mỗi người dân. Trong đó có cả những đồ chơi đơn điệu, gần gũi… Và hơn cả, nó vẫn sẽ tiếp tục được trẻ em đón nhận trong mỗi dịp Trung thu.

“Mỗi năm đến độ Thu về

Trẻ em rộn rã xóm quê chúng mình

Đứa Lân đứa Trống thùng thình

Đứa làm ông Địa chình ình bụng to”. 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Quảng Cáo